Kỹ năng xã hội cho trẻ – Hình thành và phát triển sự tự tin vào bản thân

Có thể nói một cách không quá đáng, một đứa trẻ tự tin vào bản thân là một đứa trẻ sẽ thành công trong cuộc sống.

Sự tự tin vào bản thân không phải là tố chất tự nhiên, đó là kỹ năng xã hội có thể được rèn luyện và hình thành sau quá trình chăm sóc, giáo dục hợp lý.

Ngay từ nhỏ, khi lẫm chẫm những bước đi đầu tiên, trẻ đã không muốn bố mẹ cứ mãi cầm tay dắt mình đi, khi trẻ có những lần vấp ngã, nếu chúng ta cứ chạy đến xuýt xoa, ôm ấp, điều này có thể làm trẻ nín khóc nhưng lại không giúp trẻ có thêm sự mạnh dạn để tiếp tục dấn bước. Khi trẻ biết nói không, thay vì tôn trọng sự từ chối như một cách khẳng định bản thân, chúng ta lại tìm cách cho trẻ phải biết chấp nhận mọi thứ. Điều đó vô tình làm cho khả năng tự tin của trẻ không phát triển, vì thế, không có gì lạ là đa số trẻ em Việt Nam thường thiếu tự tin, và điều này với những biện pháp giáo dục một chiều và áp đặt, lại càng làm cho các em không dám bộc lộ cái tôi, không có sự dũng cảm để có được những tư tưởng dám nghĩ dám làm.

Lớp học kỹ năng xã hội cho trẻ
Lớp học kỹ năng xã hội cho trẻ

Vì thế, nếu muốn giúp con có được khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh, dám đương đầu với những thách thức trong cuộc sống, ngay từ bé, chúng ta đã phải từng bước hình thành cho trẻ những suy nghĩ độc lập, mạnh dạn và khả năng tự tin vào bản thân.

Điều này có thể khiến trẻ gặp một số trở ngại, khó khăn trong quá trình phát triển và hình thành nhân cách, vì nó sẽ khiến trẻ không dám hay không muốn thử những điều mà trẻ cho là khó khăn hay mới lạ. Nhưng nếu trẻ có thể vượt qua được, điều đó sẽ giúp trẻ có đủ nghị lực và bản lĩnh để đối phó với những nghịch cảnh của cuộc đời.

Chúng ta có thể làm được mọi thứ bởi vì chúng ta nghĩ mình có thể làm được
– Vergil –

Có thể nói, sự tự tin là đặc điểm tâm lý, kỹ năng xã hội cho trẻ cần được bồi dưỡng và quan tâm đặc biệt. Trẻ không cần phải học giỏi, không cần phải có những năng khiếu đặc biệt, mặc dù điều đó là những thuận lợi cho trẻ sau này. Nhưng trẻ cần có sự tự tin, vì ngay cả một trẻ có nhiều tài năng, mà nhút nhát, kém khả năng tự chủ, không dám bộc lộ năng lực của mình đúng lúc, đúng nơi thì cũng chưa chắc có thể gặt hái được những thành công so với một đứa trẻ chỉ có những năng lực bình thường. Nhưng bù lại, trẻ biết mình cần gì, biết mình đang ở đâu và cần có những thái độ ra sao để thích ứng với môi trường.

Một đứa trẻ tự tin cũng là một đứa trẻ thân thiện, dễ gần, dễ kết bạn và đây cũng là một yếu tố quan trọng, vì trong thời đại hiện nay có rất ít trường hợp thành công mà không có phần tác động hay hỗ trợ của môi trường và những người xung quanh. Kỹ năng làm việc nhóm sẽ giúp trẻ biết và thể hiện được khả năng của mình cũng như biết tôn trọng khả năng của người khác.

Sự tự tin là bức tường bảo vệ trẻ trước những tệ nạn xã hội

Trích từ Những quy tắc để con có cuộc sống hạnh phúc – Lê Khanh.

You May Also Like