Dạy trẻ phép lịch sự

Phép lịch sự là một trong những nền tảng xây dựng nhân cách con người cũng là kỹ năng sống cần thiết mà cha mẹ bắt buộc phải rèn cho con ngay từ nhỏ. Nhờ có nó, chúng ta dễ dàng gây dựng tình cảm với những người xung quanh, từ đó, giải quyết công việc cũng sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn. Chính vì vậy, để trẻ có thể thành công trong tương lai, cha mẹ nên dạy trẻ phép lịch sự ngay từ nhỏ.

1. Hãy trở thành tấm gương cho trẻ noi theo để có kỹ năng sống cho bé tốt nhất

Trẻ em khi còn nhỏ rất dễ làm theo và bắt chước người lớn. Vì vậy, muốn dạy trẻ phép lịch sự từ những chuyện nhỏ nhất, từ câu chào, lời cảm ơn, xin lỗi…, bố mẹ, ông bà và người thân trong gia đình phải là những người thực hiện đầu tiên, là tấm gương cho bé nhìn vào. Cần phải dạy dỗ trẻ khi chúng có thể nói được những từ hoàn chỉnh càng sớm càng tốt. Nếu trẻ chưa học nói, bạn hoàn toàn có thể dạy con thông qua những hành động như vẫy tay chào tạm biệt, khoanh tay để cảm ơn, hay muốn xin một đồ vật nào đó…

2. Thái độ cư xử trong bữa ăn

Trẻ em rất nghịch ngợm và hiếu động. Những hành động vụng về, quậy phá như việc trộn lẫn các loại đồ ăn với nhau hoặc lóng ngóng trong viêc sử dụng đũa, dao, dĩa… là điều dễ dàng bắt gặp. Bởi vậy, ngay từ khi trẻ có thể tự ăn, cha mẹ và người lớn trong nhà hãy dạy cho chúng biết cách sử dụng các loại dụng cụ ăn đó, hướng dẫn chúng món ăn nào ăn kèm với gia vị nào cho phù hợp.

3. Khi đến chơi nhà bạn

Khi cho trẻ đến nhà bạn chơi, cho dù chủ nhà có nồng nhiệt và dặn bạn cứ để con “chơi tự nhiên như ở nhà” thì cũng đừng thoải mái cho chúng tự do. Đứa trẻ có thể nằm dài ở nhà mình, tự động tắt, bật tivi, lục lọi đồ chơi mà nó thích nhưng khi ở nhà người khác, nó cần phải xin phép trước khi làm bất cứ điều gì. Khi đứa trẻ đến nhà bạn chơi, bạn cần nhắc nhở bé về phép lịch sự và những việc gì có thể làm và không được làm để con không bị coi là đứa trẻ hư và mất lịch sự.

4. Khi đến các trung tâm thương mại

Trẻ rất hiếu động, nên việc chúng chạy nhảy, nghịch ngợm trước các gian hàng lạ lẫm, thu hút chúng là điều khó tránh khỏi. Hãy giải thích để trẻ hiểu rằng, việc chạy nhảy ở những nơi đông người thế này có thể sẽ khiến trẻ bị ngã, va phải người khác hoặc vấp vào những chiếc tủ kính trong suốt. Nếu trẻ trót làm vỡ hoặc xô lệch những món đồ trên giá, hãy yêu cầu chúng sắp xếp lại và xin lỗi nhân viên bán hàng.

Nếu chẳng may trẻ làm hỏng một món đồ nào của cửa hàng, cha mẹ nên đưa chúng đến quầy thu ngân và đền tiền cho món hàng đó. Trẻ sẽ thấy được trách nhiệm của mình trong trường hợp này và cẩn thận hơn trong những lần sau. Đừng la mắng con ở chỗ đông người mà ngay lúc ấy, bạn cần giải thích cho con hiểu rằng hành động của con là không đúng, khuyến khích con nhận lỗi trong trường hợp này.

5. Khen ngợi khi trẻ lễ phép

Bạn hãy vỗ tay khen ngợi, mỉm cười hay ôm bé vào lòng nếu như con thực hiện những hành động lịch sự như dọn thức ăn vương vãi, chào người hàng xóm hay biết nói lời cảm ơn, xin lỗi… với người khác. Sự động viên, khích lệ của bạn sẽ khiến bé hứng khởi, tích cực lặp lại thời gian sau này. Hãy trân trọng những cố gắng, ý thức của con, dù cho bé có cất lời chào véo von với bất kỳ ai trên phố.

6. Kiên nhẫn dạy con

Bạn đã dùng mọi cách để dạy con cách dọn đồ chơi sau khi chơi, im lặng khi vào rạp chiếu phim, giơ tay che miệng khi ngáp, hay không vứt thức ăn vung vãi ra bàn… mà trẻ vẫn không chịu làm theo. Đừng nên bỏ cuộc, chán nản, hãy từ từ dạy con lại từ đầu. Bạn hãy dành thời gian nhiều hơn để chơi, quan tâm, theo sát từng hành động của con. Không thể dạy con quá nhiều thứ cùng một lúc, và đòi hỏi chúng quá nhiều. Bạn có thể răn đe nếu con có những hành động quá trớn, vô lễ. Cần phải uốn nắn, sửa sai cho con ngay từ khi chúng còn nhỏ.

Tích cực cho trẻ tham gia các câu lạc bộ kỹ năng sống thường xuyên để giúp trẻ phát triển tốt hơn.

Trẻ em như những trang giấy trắng, nhân cách chúng được định hình ra sao do một phần rất lớn sự giáo dục của gia đình quyết định. Bởi vậy, dạy trẻ phép lịch sự và nguyên tắc xử sự là kỹ năng sống mà bất kì bậc cha mẹ nào cũng cần quan tâm hàng đầu trong quá trình xây dựng nhân cách cho con trẻ.

You May Also Like