Nguyên nhân khiến trẻ nhút nhát

Những trẻ nhút nhát gặp khá nhiều bất lợi trong cuộc sống bởi trẻ không dám thể hiện mình, do vậy trẻ không có nhiều cơ hội để khám phá những năng lực vượt trội của bản thân

Thông thường hầu hết trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi đều “nhút nhát”, đó là do thế giới xung quanh còn quá mới mẻ và lạ lẫm với chúng. Lúc này các bé sẽ có xu hướng gần gũi với những người thân yêu nhất. Sự nhút nhát ở giai đoạn này là bình thường trong quá trình phát triển của trẻ. Nhưng nếu trên 3 tuổi bé vẫn nhút nhát thì có thể do nhiều nguyên nhân sau:
Di truyền:

be-nhut-nhat

Cấu trúc gen của trẻ có những yếu tố gây ra như tính nhút nhát được thừa hưởng từ bố hoặc từ mẹ.
Bản tính:

Những em bé nhạy cảm quá mức hoặc dễ hoảng sợ sẽ có nhiều nguy cơ kéo dài hơn các trẻ khác khi lớn lên. Biểu hiện của sự nhút nhát đó là bé thường xuyên hét lên “Mẹ ơi, con sợ!”. Chúng sợ tất cả mọi thứ xung quanh từ những con sâu, con kiến…đến cả những người khách của bố mẹ.

Ngoài việc bị ảnh hưởng bởi di truyền, bản tính của trẻ thì cách giáo dục của gia đình, xã hội cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc trẻ nhút nhát, cụ thể:
Mối quan hệ gia đình:

Trẻ em bị thiếu tình thương của bố mẹ, không được chăm sóc thường xuyên trong gia đình sẽ dễ rơi vào trạng thái lo âu và trở nên nhút nhát.
Bắt chước người lớn:

Trẻ con học hỏi bằng cách bắt chước hành vi của những người lớn xung quanh chúng, mà gần gũi nhất chính là phụ huynh. Bố mẹ có tính cách nhút nhát cũng có thể vô tình truyền tính cách này cho con mình thông qua các hoạt động hàng ngày.
Sống khép kín:

Những trẻ em không được tạo điều kiện tiếp xúc với cộng đồng hoặc thế giới bên ngoài trong những năm đầu đời sẽ dễ trở nên nhút nhát do thiếu hụt các kỹ năng giao tiếp và tương tác với mọi người.
Thường xuyên bị chê bai:

Những đứa trẻ hay bị chọc ghẹo hoặc ức hiếp bởi bạn bè hoặc người thân trong gia đình như bố mẹ, anh chị em, họ hàng… cũng sẽ có xu hướng nhút nhát và dễ hoảng sợ.
Sợ thất bại:

Nhút nhát cũng thường xuất hiện ở những trẻ em được người lớn kỳ vọng quá nhiều, nhất là khi những kỳ vọng đó vượt ngoài khả năng của trẻ. Trẻ sẽ trở nên rụt rè, không dám làm gì cả vì sợ hỏng việc.

Không những thế hiện nay, đặc biệt là ở thành thị thì đa số các con đều là con một. Cuộc sống được bao bọc, nhà nào biết nhà đó khiến các em bị thiếu đi sự giao tiếp với những đứa trẻ khác cùng trang lứa. Ba mẹ lại quá nuông chiều, khiến trẻ khó thích nghi với hoàn cảnh. Do đó, khi đối diện với người lạ hoặc môi trường xa lạ, trẻ dễ xuất hiện tâm lí sợ hãi.

Trên đây là một số nguyên nhân dẫn đến sự “nhút nhát” của trẻ. Thiết nghĩ, bên cạnh việc phàn nàn con cái của chúng ta quá nhút nhát hoặc đau đầu tìm cách sửa tính nhút nhát cho các con. Việc đầu tiên tất cả chúng ta cần làm đó là tìm ra nguyên nhân tại sao con lại “nhút nhát”, từ đó chúng ta mới có được phương pháp hiệu quả nhất để sửa và giúp con hết “nhút nhát”

You May Also Like